Lăng Thiệu Trị - Xương Lăng: Nơi an nghỉ yên bình của một vị hoàng đế.

Lăng Thiệu Trị - Xương Lăng: Nơi an nghỉ yên bình của một vị hoàng đế.

1. Giới thiệu về Lăng Thiệu Trị

Lăng Thiệu Trị, còn được gọi là Xương Lăng (昌陵), là nơi an nghỉ cuối cùng của hoàng đế Thiệu Trị.

Tọa lạc tại làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thành phố Huế, Lăng Thiệu Trị nằm dựa lưng vào núi Thuận Đạo, cách trung tâm thành phố khoảng 8 km.. Gần kinh thành hơn so với hai lăng trước đó là lăng Vua Gia Long và Lăng Vua Minh Mạng.

So với lăng tẩm các vua tiền nhiệm và kế vị, Lăng Thiệu Trị có những nét riêng. Điều đặc biệt đây là lăng duy nhất hướng về phía Tây Bắc, một hướng hiếm được sử dụng trong kiến trúc cung điện và lăng tẩm thời Nguyễn.

Ấn tượng đầu tiên của mình đối với Lăng Thiệu Trị là cánh đồng lúa phía trước, đang vào mùa gặt, lúa vàng ươm. Con đường bê tông nhỏ dẫn vào lăng rợp bóng mát của hàng cây bên đường. Nhìn khung cảnh này thực sự yên bình đối với nơi an nghỉ của một vị hoàng đế. Bao bọc xung quanh là những rừng thông, và khi gió thổi qua, tiếng thông reo cũng mang đến sự lắng đọng và bình yên.

2. Kiến trúc

Theo mình quan sát ở các lăng tẩm khác ở Huế, Lăng Thiệu Trị cũng bao gồm các công trình kiến trúc như Bình Phong phía trước, Trụ Biểu, Điện Thờ (nơi đặt bài vị để thờ cúng), Bi Đình (nhà để đặt bia), Nghi Môn và Bửu Thành (Nơi đặt thi hài của vua). Là vị vua thứ ba của triều Nguyễn, Lăng Thiệu Trị là sự dung hòa của hai lăng trước đó, vừa có sự bố trí theo hơi hướng của lăng vua cha là Lăng Minh Mạng và của lăng ông nội là Lăng Gia Long.

Giống như lăng Gia Long, Lăng Thiệu Trị không có La Thành mà sử dụng các ngọn núi, gò đất tự nhiên làm bình phong, hậu chẩm. Phần Điện Thờ (thuộc trục tẩm) nằm ở trục song song với trục lăng.

Tương tự lăng Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị có kiến trúc bố trí theo một trục (gọi là trục lăng) và phần Toại Đạo, Bửu Thành được xây theo hình tròn đồng tâm ở vị trí cuối cùng. Và trước khi tiếp cận với Bửu Thành, sẽ phải đi qua các cầu đá bắt qua hồ nước hình bán nguyệt.

Trục Lăng: Hồ Nhuận Trạch - Bình Phong - Nghi Môn - Sân chầu (có 2 hàng tượng đá quan văn, quan võ, voi, ngựa) - Bi Đình (nhà để đặt bia, hiện tại đang bị hư hỏng nặng nề) - Lầu Đức Hinh (hiện không còn, chỉ còn nền móng) - Ba cầu bắc qua hồ (Đông Hòa, Chánh Trung, Tây Định) - Nghi môn bằng đồng - Bửu Thành.

Trục Tẩm: Bình Phong - Hồ Điện - Nghi Môn - Hồng Trạch Môn (một dạng vọng lâu) - Tả, Hữu Phối Điện - điện Biểu Đức (Nơi thờ cúng bài vị của Vua Thiệu Trị và hoàng hậu Từ Dụ) - Tả Hữu Tùng Viện.

Xem thêm: Lăng Minh Mạng - Kiến trúc độc đáo và cuộc đời vị vua triều Nguyễn

3. Lịch sử hình thành Lăng Thiệu Trị

Vua Thiệu Trị tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông (1807 - 1847), là con trai trưởng của vua Minh Mạng và lên ngôi khi mới tuổi 34. Sau 7 năm trị vì, vua lâm bệnh qua đời ngày 4 tháng 11 năm 1847, khi chỉ mới 41 tuổi. Trong lời dặn khi hấp hối, Vua Thiệu Trị có dặn người con sắp nối ngôi là Vua Tự Đức rằng: “Chỗ đất làm Sơn lăng nên chọn chỗ bãi cao, chân núi cận tiện, để dân binh dễ công việc. Con đường ngầm đưa quan tài đến huyệt, bắt đầu từ Hiếu Lăng, nên bắt chước mà làm. Còn điện vũ liệu lượng mà xây cho kiệm ước, không nên làm nhiều đền đài, hao phí đến tài lực của binh dân”.

Sau khi vua Tự Đức lên ngôi, ông đã lệnh cho các thầy địa lý tìm địa điểm xây dựng lăng cho vua cha. Vị trí tốt nhất được tìm thấy ở chân một dãy núi thấp thuộc làng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, cách Kinh thành không xa như hai lăng vua trước đó là vua Gia Long và vua Minh Mạng. Núi này sau đó được đặt tên là núi Thuận Đạo và lăng được gọi là Xương Lăng.

Vào ngày 11 tháng 2 năm 1848, vua Tự Đức đã chỉ định đại thần Vũ Văn Giai làm Đổng lý, chịu trách nhiệm giám sát công việc xây dựng lăng. Đây có thể coi là ngày bắt đầu cho công trình này.

Theo lời dặn của vua cha, vua Tự Đức đã yêu cầu Vũ Văn Giai phải bắt chước cách xây dựng Toại Đạo giống như trên lăng Minh Mạng, và tuân theo quy chế xây dựng các công trình thờ phụng như điện, đình, các, viện... theo lăng Gia Long. Và tùy theo địa thế tại chỗ để châm chước định liệu mà làm. Toại đạo, tức là đường hầm đưa quan tài nhà vua vào huyệt mộ, được xây vào ngày 24 tháng 3 năm 1848.

Quá trình xây cất Xương Lăng diễn ra một cách nhanh chóng và gấp rút, chỉ trong vòng ba tháng, các công trình chính đã hoàn thành.

Ngày 14 tháng 6 năm 1848, vua Tự Đức thân hành lên Xương Lăng để kiểm tra lần cuối cùng. Sau mười ngày, thi hài của vua Thiệu Trị được đưa vào an táng trong lăng sau tám tháng quàn tại điện Long An trong Cung Bảo Định (hiện nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Vua Tự Đức đã viết một bài văn bia dài trên 2.500 chữ để ca ngợi công đức của vua cha, được khắc lên tấm bia "Thánh đức thần công". Tấm bia này được dựng vào ngày 19 tháng 11 năm 1848.

Ngoài lăng chính của vua Thiệu Trị, còn có lăng Hiếu Đông (mẹ vua - bà Hồ Thị Hoa) và Xương Thọ Lăng (vợ vua - bà Từ Dũ). Phía trước là khu mộ "tảo thương", nơi an nghỉ của các ông hoàng, bà chúa nhỏ bé, con vua Thiệu Trị..

Bên trong Điện Biểu Đức được trang trí sơn son thếp vàng. Gạch lát mặt sàn được sử dụng hai màu chủ đạo là vàng và xanh, kết hợp với các trụ cột màu đỏ và các hoa văn màu vàng, tạo nên không gian nổi bật và đẹp mắt.

Xem thêm: Tham quan Đại Nội và các lăng tẩm ở Huế

4. Phục hồi và bảo tồn

Lăng Thiệu Trị đã được công nhận là di tích cấp quốc gia (loại hình kiến trúc nghệ thuật) theo Quyết định số 2890-VH/QĐ ngày 27/9/1997 của Bộ Văn hóa - Thông tin. Và cũng là một phần của Quần thể di tích cố đô Huế, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11 tháng 12 năm 1993.

Hiện tại, Lăng Thiệu Trị đang trong quá trình trùng tu, tôn tạo do sự hư hại qua thời gian. Mình thấy đang trùng tu ở Trục Tẩm, cụ thể là Hồng Trạch Môn. Cũng như đang trùng tu Xương Thọ Lăng (vợ vua Thiệu Trị - bà Từ Dụ/Từ Dũ).

Cũng có thể vì công trình bị xuống cấp, hư hại nặng nề nên số lượng người đến đây cũng không được nhiều như các lăng khác. Hy vọng qua thời gian sẽ được cải thiện dần.

Ảnh: Hoang Khanh Nguyen

Nguồn: Hoang Khanh Nguyen

Bài viết liên quan
Bạn muốn liên hệ tư vấn du lịch?